Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống ngành Dầu khí (27-11-1961 - 27-11-2011): Nửa thế kỷ ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện mong ước của bác Hồ |
Một thế kỷ trước, dầu mỏ ở Việt Nam là giấc mơ xa vời của người Pháp. Ngay khi miền bắc hoàn toàn giải phóng, dựa vào một số tài liệu ít ỏi (từ kho lưu trữ tài liệu cũ) của các nhà địa chất Pháp, bằng linh cảm tuyệt vời và tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh để góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh. Trong chuyến thăm Liên Xô ngày 23-7-1959, tại khu công nghiệp dầu khí Ba-cu (A-déc-bai-gian), Bác Hồ nói: Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, A-déc-bai-gian nói riêng phải giúp Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh. Bác Hồ đến thăm khu công nghiệp dầu khí Ba-cu (A-déc-bai-gian) ngày 23-7-1959 Theo đề nghị của Việt Nam, từ năm 1959, Liên Xô đã cử các chuyên gia có kinh nghiệm sang nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí; đào tạo cán bộ Việt Nam. Những đánh giá của các chuyên gia Liên Xô làm hiển hiện ngày một rõ hơn tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tầm nhìn và mong ước của Người đã trở thành mục tiêu hành động, là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Những bước đường hiện thực hóa mong ước của Người Ngày 27-11-1961, Ðoàn thăm dò dầu lửa 36 chính thức ra đời theo Quyết định số 271-ÐC của Tổng cục Ðịa chất Việt Nam (ngày này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày truyền thống của ngành dầu khí Việt Nam). Ngày 9-10-1969, Liên đoàn Ðịa chất 36 được thành lập theo Quyết định số 203/CP của Hội đồng Chính phủ - đánh dấu những chặng đường đầu tiên của ngành dầu khí Việt Nam. Chỉ ba tháng sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Tiếp theo, ngày 3-9-1975 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam - tổ chức thống nhất về dầu khí cho cả nước - với mục tiêu: "Nhanh chóng tìm ra và khai thác nhiều dầu khí... nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí...". Trong 15 năm (từ tháng 9-1975 đến tháng 6-1990), Tổng cục Dầu khí đã tiến hành thăm dò dầu khí trên đất liền và hợp tác với các công ty dầu khí phương Tây thăm dò một số lô ở thềm lục địa nam Việt Nam. Ngày 19-4-1981, những m3 khí đầu tiên từ mỏ khí Tiền Hải - C, tỉnh Thái Bình được khai thác dẫn đến trạm tua-bin khí phát điện. Ngày 26-6-1986, tấn dầu thô đầu tiên, do Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro khai thác từ mỏ Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam, ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí thế giới. Dầu khí Việt Nam bắt đầu góp phần quan trọng vào khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây cấm vận. Nghị quyết 15-NQ/T.Ư (7-7-1988) của Bộ Chính trị đã thổi "luồng gió mới" vào hoạt động khai thác dầu khí. Nhiều công ty dầu khí phương Tây đã bắt đầu trở lại Việt Nam. Ðồng thời với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, những cơ sở dịch vụ dầu khí đầu tiên được xây dựng... Nền móng của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam được hình thành. Ngày 6-7-1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định (số 250-HÐBT) thành lập Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Ðây là sự kiện có tính bước ngoặt của ngành dầu khí Việt Nam - chuyển từ vai trò quản lý nhà nước và triển khai các công việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác, dịch vụ dầu khí, sang quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ của một tổ chức hạch toán kinh tế. Thời điểm này, cơ chế hoạt động của Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ, theo hướng mô hình doanh nghiệp Nhà nước, phi hành chính hóa theo xu thế chung của cả nước (sau khi đường lối đổi mới của Ðại hội Ðảng lần thứ VI bắt đầu được triển khai). Trong giai đoạn 1990-2006, ngành dầu khí Việt Nam có những bứt phá về mô hình tổ chức và hoạt động, trở thành một tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trước yêu cầu phát triển mới, ngày 29-8-2006, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ra đời. Giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn đầu tập đoàn triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, theo Kết luận số 41-KL/T.Ư ngày 19-1-2006 của Bộ Chính trị và Quyết định số 386/QÐ-TTg ngày 9-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Trong 50 năm qua, các thế hệ người làm công tác dầu khí Việt Nam luôn ý thức được trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân, vượt mọi khó khăn, không ngừng lao động sáng tạo, từng bước xây dựng ngành dầu khí trưởng thành và đã gặt hái được nhiều thành công. Hôm nay, ngành dầu khí có thể tự hào thưa với Bác và báo cáo với Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước: Niềm tin và ý chí của Bác Hồ về dầu khí đã trở thành hiện thực. Trong số nhiều thành công đã đạt được trong 50 năm qua có 7 thành tựu to lớn, nổi bật làm nên tên tuổi, thương hiệu Petrovietnam đó là: Thứ nhất: Tập đoàn đã xây dựng được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò - khai thác dầu khí đến vận chuyển chế biến, lọc hóa dầu, góp phần xứng đáng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng đất nước. Thứ hai: Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp to lớn cho Ngân sách, cho phát triển kinh tế đất nước: Thứ ba: Tập đoàn Dầu khí là Tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Thứ tư: Tập đoàn đã xây dựng đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu. Thứ năm: Tập đoàn đã thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là một trong số các công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Thứ sáu: Tập đoàn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia. Thứ bảy: Tập đoàn Dầu khí đóng góp xứng đáng, thiết thực vào công tác an sinh xã hội. Vững bước vào tương lai Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hiện nay là một tập đoàn kinh tế mạnh - đoàn kết. Có được những kết quả, thành tích trên là do tập đoàn luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, hiệu quả của Ðảng, Nhà nước, sự giúp đỡ, bao dung của nhân dân cả nước, là công sức của bao thế hệ đi trước: những người lãnh đạo vững vàng, năng động, sáng tạo, tập thể cán bộ, công nhâTn trình độ cao, trí tuệ cao. Các thế hệ dầu khí tiếp theo kiên quyết không tự mãn với kết quả đạt được, không được phép làm phai mờ, làm xấu đi hình ảnh đáng quý đó, mà có trách nhiệm đồng tâm hiệp lực, phát huy thế mạnh, tiếp tục xây dựng Tập đoàn Dầu khí ổn định và tiến lên phát triển bền vững. Trong giai đoạn tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, triển khai Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là tổ chức thực hiện thắng lợi chiến lược tăng tốc phát triển, với năm nhiệm vụ cốt lõi: Thứ nhất: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; thứ hai: Lọc hóa dầu; thứ ba: Công nghiệp khí; thứ tư: Công nghiệp điện; thứ năm: Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Trong đó, công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là trọng tâm cốt lõi nhất trong các lĩnh vực cốt lõi. Phát hiện được một mỏ mới, đưa một mỏ mới vào khai thác là tạo được một bước nhảy vọt mới của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nhiều mỏ mới sẽ tạo ra nhiều bước nhảy vọt mới, kéo theo các lĩnh vực khác cùng phát triển. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chủ trương đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, cả trong nước và nước ngoài. Trong nước, bên cạnh khu vực truyền thống, tập đoàn phát triển ra khu vực mới: nước sâu xa bờ. Ở nước ngoài, tập đoàn xác định địa bàn hoạt động: Liên bang Nga, các nước SNG: U-dơ-bê-ki-xtan, A-déc-bai-gian, Ca-dắc-xtan; khu vực châu Mỹ la-tinh: với trung tâm Vê-nê-xu-ê-la; khu vực châu Phi, Ðông - Nam Á. Ðể thực hiện thắng lợi chiến lược tăng tốc, tập đoàn sẽ nỗ lực cao nhất để thực hiện thành công ba giải pháp đột phá: Giải pháp về con người; Giải pháp về khoa học công nghệ; Giải pháp về quản lý. Trong ba giải pháp đột phá đó tập đoàn sẽ dành nhiều thời gian, nhiều công sức cho giải pháp về phát triển nguồn nhân lực. Chăm lo đến con người, chính là chăm lo đến yếu tố quan trọng nhất của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập đoàn triển khai chương trình đào tạo để vừa đáp ứng nhu cầu cán bộ cho giai đoạn trước mắt, đồng thời chuẩn bị xây dựng lực lượng lâu dài; đào tạo đồng bộ cả ba loại cán bộ: cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành và cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh, để đáp ứng ba mục tiêu: Hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp; Hướng ra thế giới; Hướng tới tương lai. Ðồng thời với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tập đoàn tiếp tục và kiên trì xây dựng nền tảng Văn hóa Dầu khí: Vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa mang mầu sắc dầu khí. Văn hóa Petrovietnam xây dựng: Là đoàn kết - kỷ cương, là chất lượng - hiệu quả, là an toàn - chắc chắn, là nhân ái - trách nhiệm, vì PVN phát triển bền vững, vì Tổ quốc Việt Nam phồn vinh. Trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh thuận lợi, tập đoàn cũng nhận thấy những khó khăn, phức tạp: Các dự án của tập đoàn nhiều, có dự án khó, có nhiều dự án lớn, nhu cầu vốn tăng cao trong giai đoạn năm năm tới; nguồn tài nguyên dầu khí, đặc biệt các mỏ lớn, ngày càng khan hiếm, phải tìm nơi xa hơn, nước sâu hơn, điều kiện địa chất phức tạp; Ðầu tư ra nước ngoài với quy mô lớn hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế quyết liệt, v.v. Có khó khăn, có phức tạp, tuy nhiên thuận lợi là cơ bản. Là tập đoàn có tiềm lực mạnh với truyền thống 50 năm, đơn vị Anh hùng, bên trên, Tập đoàn được Ðảng, Nhà nước tin tưởng; bên ngoài, tập đoàn được nhân dân cả nước giúp đỡ; bên trong, với phương châm đồng tâm hiệp lực, chắc chắn Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tiếp tục vững bước tiến lên. Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tiếp tục thực hiện mong ước của Người, toàn thể cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam: lấy đồng tâm hiệp lực làm tiền đề, lấy đổi mới mọi mặt và xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, đầu tư kỹ thuật mạnh làm phương tiện, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu phát triển Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam nhanh, mạnh và bền vững. Tập đoàn đã đóng góp xứng đáng, thiết thực vào công tác an sinh xã hội: Khắc ghi niềm mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: ... "Ðồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", các hoạt động xã hội, nhân đạo được cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, công đoàn, đoàn thanh niên các cấp trong tập đoàn luôn quan tâm phát động và triển khai thực hiện thường xuyên. Trong giai đoạn 2006-2011, xuất phát từ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, trách nhiệm của toàn thể CBCNV đối với xã hội và cộng đồng, toàn tập đoàn thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng số tiền hơn 2.500 tỷ đồng, góp phần thiết thực cùng Chính phủ thực hiện các chương trình an sinh xã hội của đất nước. Riêng năm 2011, tập đoàn đăng ký 600 tỷ đồng và dự kiến thực hiện cả năm đạt 715 tỷ đồng (vượt so với cam kết 115 tỷ đồng).Các công trình được tập đoàn hỗ trợ xây dựng như trường học, trạm y tế, đường giao thông, các công trình thủy lợi vừa và nhỏ đã góp phần làm thay đổi diện mạo các thôn, làng, là cơ sở để bà con phát triển kinh tế - xã hội. KSTK. Phùng Đình Thực
|