Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện lời mong ước của Người, với khí thế Tháng Tám và hào khí Petrovietnam, toàn thể cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Lấy đồng tâm hiệp lực làm tiền đề, lấy đổi mới mọi mặt và xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, đầu tư kỹ thuật mạnh làm phương tiện, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhanh mạnh và bền vững.
Hơn nửa thế kỷ trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã nhất tề vùng lên đánh đổ ách thống trị của phát xít Nhật, làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được ghi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một trong những mốc son chói lọi nhất. Đây thực sự là một cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam, được huy động lực lượng của toàn dân để tiến hành khởi nghĩa từng nơi, từng phần và đi đến đỉnh cao thắng lợi bằng cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân, toàn quốc vào Tháng Tám năm 1945. Ngày 2/9/1945, nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam đã ra đời. Đại diện cho cả dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những tư tưởng về quyền con người được ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 là “những tư tưởng bất hủ”, những “lẽ phải không ai chối cãi được”.
Giàn khoan tự nâng 90m nước
Nhưng dân tộc có được độc lập thì con người mới có thể có tự do, hạnh phúc. Không thể có được quyền con người, quyền công dân khi quyền độc lập của dân tộc bị chà đạp. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, những nội dung ấy đã gắn bó quyền của dân tộc với quyền con người, quyền công dân. Đó cũng là tư tưởng bất hủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra với cả thế giới ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và đứng vào hàng ngũ tiên phong của các dân tộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Nhân dân Việt Nam phải đi tiếp một chặng đường dài 30 năm để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân Việt Nam, theo tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã góp phần quan trọng vào việc làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ và mở đầu cho sự thất bại của chủ nghĩa thực dân mới trong thế kỷ XX. Tinh thần và những bài học của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với những người lao động nói chung và ngành Dầu khí nói riêng trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn.
Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam ghi nhớ mãi mãi ngày 23/7/1959, trong chuyến thăm Liên Xô, khi tới khu Công nghiệp Dầu khí Baku thuộc nước Cộng hòa Azerbaijan, với tầm nhìn chiến lược Hồ Chủ tịch đã khẳng định: Việt Nam, với sự giúp đỡ của Liên Xô và Azerbaijan sẽ xây dựng được những khu công nghiêp dầu khí mạnh.
Chỉ 2 năm sau, mơ ước của Bác Hồ đã được khởi động, ngày 27/11/1961 ngành Dầu khí Viêt Nam ra đời.
Trong suốt chiều dài lịch sử 50 năm hình thành và phát triển ngành Dầu khí, đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, thực hiện mong ước của Bác Hồ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.
Hiện Petrovietnam là doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất với doanh thu hằng năm đạt 160 tỉ USD, tạo được nguồn vốn sở hữu gần 250.000 tỉ đồng, tổng tài sản toàn Tập đoàn đạt 525 nghìn tỉ đồng,tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 20%/năm và hàng năm đóng góp từ 28-30 % tổng thu ngân sách Nhà nước.
Trong ký ức của những người lao động gắn bó với sự nghiệp của ngành như cụ Lê Xuân Tùy, nguyên kíp trưởng kíp khoan của Đoàn 36 còn nhớ như in thời khắc lịch sử 10 giờ sáng ngày 10/7/1962, tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đội khoan được giao nhiệm vụ do đồng chí Bùi Kiên Quyết làm Tổ trưởng đã thực hiện mũi khoan đầu tiên bằng chiếc máy khoan cũ kỹ zíp 150. Tròn 60 năm sau, 9 giờ 30 phút ngày 6/7/2012, dòng khí đầu tiên từ giàn H4 mỏ Tê Giác Trắng của Hoàng Long JOC đánh dấu thành công trong cuộc tìm kiếm dầu khí giữa trùng khơi Biển Đông, trên sa mạc Sahara, trong băng giá…
Năm 2006, Petrovietnamđã có tấn dầu thô đầu tiên khai thác từ nước ngoài (lô PM 304 - Malaysia), tiếp theo đưa 2 mỏ tại khu tự trị Nhenhetsky Liên bang Nga (do Liên doanh Rusvietpetro thực hiện) vào khai thác, mang lại kết quả tốt đẹp cho công cuộc “vươn ra biển lớn”. Các dự án trọng điểm khác đang được Tập đoàn tích cực triển khai như: Dự án khai thác dầu tại mỏ Nagumanov (do Liên doanh Gazpromviet thực hiện), dự án phát triển mỏ Junin 2 tại Venezuela và mỏ Bir Seba tại Algeria (do Liên doanh điều hành PVEP – PTTEP - Sonatrach thực hiện)…
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày nay đã trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước với những phẩm chất đặc trưng là: Năng động sáng tạo, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, đang đẩy mạnh hoạt động và tập trung đầu tư vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính là: thăm dò - khai thác; lọc - hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện và dịch vụ kỹ thuật dầu khí, trong đó lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí là cốt lõi. Đồng thời đã tích cực phát huy có hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là một công cụ hữu hiệu trong điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia và thực hiện công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, bên cạnh thương hiệu Petrovietnam đang được khẳng định ở cả trong và ngoài nước, Tập đoàn cũng đã thành công trong việc xây dựng được cho mình một nét văn hóa riêng, đặc trưng cho ngành văn hóa Dầu khí Việt Nam.
Từ mũi khoan đầu tiên đến những dòng dầu thương mại, những tấn đạm, những kWh điện, những tấn xăng E5, những tấn xơ sợi tổng hợp và cả những chân đế, giàn khoan mang thương hiệu PVN là cả một chặng đường lịch sử thấm đậm hào khí và văn hóa PetrovietNam.
Chúng ta xây dựng nền văn hóa dầu khí, để tất cả cán bộ, công nhân viên nhận thức đầy đủ rằng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu của Tập đoàn, nhưng không đơn thuần về kinh tế, mà nhiệm vụ của chúng ta gắn với chính trị, gắn với ngoại giao, gắn với chủ quyền - quốc phòng - an ninh. Chúng ta phát triển kinh tế để góp phần ổn định chính trị. Trong quá trình làm việc với đối tác nước ngoài, chúng ta quán triệt sâu sắc: Chính sách đa phương hóa trong quan hệ, làm bạn với tất cả các nước. Để góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia chúng ta thực hiện triệt để nghị quyết Trung ương về chiến lược biển: Vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển vừa góp phần tạo môi trường hòa bình để phát triển. Chúng ta yêu hòa bình, mong hòa bình để hợp tác, phát triển. Hòa bình, hữu nghị nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trong giai đoạn mới, bên cạnh thuận lợi, chúng ta cũng cần nhận thấynhững khó khăn, phức tạp: Các dự án của chúng ta nhiều (có dự án khó, có nhiều dự án lớn); Nhu cầu vốn tăng cao trong giai đoạn 5 năm tới; Nguồn tài nguyên dầu khí, đặc biệt các mỏ lớn ngày càng khan hiếm, chúng ta phải tìm nơi xa hơn, nước sâu hơn, điều kiện địa chất phức tạp. Ngoài ra trong quá trình triển khai nhiệm vụ tại thềm lục địa Việt Nam, chúng ta còn vấp phải sự cản phá của các lực lượng nước ngoài vi phạm chủ quyền Việt Nam. Chúng ta đầu tư ra nước ngoài với quy mô lớn hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế quyết liệt.
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện lời mong ước của Người, với khí thế Tháng Tám và hào khí Petrovietnam, toàn thể cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Lấy đồng tâm hiệp lực làm tiền đề, lấy đổi mới mọi mặt và xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, đầu tư kỹ thuật mạnh làm phương tiện, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhanh mạnh và bền vững.
(Theo Năng lượng Mới)